Pages

Wednesday, October 22, 2014

Các loại bệnh do virut gây ra ở trẻ em

Dù là bệnh thường gặp như viêm đường hô hấp hay tiêu chảy do virus… nhưng nếu không được điều trị kịp thời vẫn có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm.

Những ngày gần đây, các bệnh viện (BV) tại Hà Nội liên tục tiếp nhận nhiều ca bệnh nhi khá nặng vì thời tiết biến đổi khi chuyển mùa.

viem phoi
Viêm phổi

Rotavirus rình rập
Một bé trai 14 tháng tuổi vừa đến cấp cứu tại Khoa Nhi BV Bạch Mai, Hà Nội trong tình trạng hôn mê sâu. Dù được cấp cứu tích cực nhưng bé đã tử vong sau chưa đầy 2 giờ nhập viện.

Gia đình cho biết 2 ngày trước khi nhập viện, bé bị tiêu chảy kèm nôn nhiều và sốt. Khi bé tiêu chảy, gia đình có pha Oresol cho uống nhưng cháu lại nôn ra. Sang ngày thứ 2, gia đình mời bác sĩ đến nhà khám nhưng sau đó, bé vẫn tiêu chảy ồ ạt hơn 30 lần trong ngày. Đến cuối ngày thứ 2, thấy bé suy kiệt, gia đình vội vàng đưa vào BV cấp cứu. Lúc này, bé đã rơi vào trạng thái co giật, sốc trụy mạch.
Theo các bác sĩ, đây là ca tử vong do tiêu chảy khá hiếm gặp trong thời gian qua. Gần đây, điều kiện y tế lẫn việc xử trí bệnh này không quá phức tạp.
virut xam nhap co the tre
Virut rota xâm nhập cơ thể

Giới chuyên môn cho biết hiện nay cũng là thời điểm dịch tiêu chảy do Rotavirus bắt đầu xuất hiện. Theo PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi BV Bạch Mai, tiêu chảy cấp do Rotavirus là bệnh thường gặp ở trẻ vào mùa thu – đông, đặc biệt là bé 3-24 tháng tuổi.

Virus gây tiêu chảy có thể xâm nhập cơ thể qua đường phân – miệng. Trẻ tiêu chảy phân lỏng, toàn nước, có lúc phân màu xanh, có thể có đờm nhớt; tiêu chảy và nôn ói có thể lên đến 20 lần/ngày.
“Thông thường, trẻ sẽ nôn trước, sau khoảng 1-2 ngày thì bắt đầu đi ngoài. Trẻ có thể ho, sốt nên nhiều cha mẹ dễ nhầm với viêm đường hô hấp, viêm mũi họng. Nhiều cha mẹ còn tưởng trẻ bị tiêu chảy vì mọc răng, dẫn đến có trường hợp nhập viện trong tình trạng mất nước nặng, đe dọa tính mạng” – TS Dũng cảnh báo.

Biến chứng nguy hiểm là mất nước, mất muối quá nhiều, dễ dẫn đến trụy mạch nếu không được bù nước kịp thời. Cha mẹ nên cho trẻ uống dung dịch Oresol theo đúng hướng dẫn ghi trên bao bì, không pha loãng hay đặc quá. Tuyệt đối không cho uống các loại nước ngọt, nước có gaz khi trẻ đang mất nước do tiêu chảy.
tre bi tieu chay do virut
Trẻ em bị tiêu chảy

Nếu thấy trẻ mệt quá, bỏ bú, không ăn uống, không chơi, nằm li bì thì nên đưa đến BV. Tuyệt đối không tự ý cho trẻ uống thuốc kháng sinh hoặc thuốc cầm tiêu chảy. Kháng sinh không có tác dụng tiêu diệt virus mà còn làm giảm nhu động ruột dẫn đến tình trạng trướng bụng, thủng ruột, tắc ruột, thậm chí tử vong.

Chớ xem thường sốt virus
Thời điểm giao mùa không chỉ trẻ nhỏ mà cả người lớn cũng là đối tượng tấn công của sốt siêu vi do nhiễm các loại virus khác nhau. Phần lớn sốt siêu vi không nguy hiểm, bệnh có thể tự khỏi. Tuy nhiên, cũng có một số bệnh biến chứng nguy hiểm khó lường, nhất là với trẻ em.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Lộc, Khoa Khám bệnh tự nguyện BV Nhi Trung ương, người nhiễm virus thường sốt cao, kèm theo ớn lạnh, đau toàn thân, mệt mỏi, chán ăn, đôi khi có rối loạn tiêu hóa, viêm kết mạc…
rối loạn tiêu hoa ở trẻ em

Bác sĩ Đỗ Tuấn Anh, Khoa Nhi BV Bạch Mai, cho biết khoảng 2 tuần nay, số trẻ viêm phổi tăng mạnh, nhiều trường hợp bị nặng do biến chứng của sốt virus. Phần lớn trẻ ở độ tuổi rất nhỏ, dưới 6 tháng; cá biệt có cháu chỉ mới hơn 10 ngày tuổi đã bị viêm phổi nặng.

Theo bác sĩ Tuấn Anh, trẻ sơ sinh nếu bị viêm phổi thì diễn biến rất nhanh, có cháu chỉ vài giờ và dấu hiệu lại thường không điển hình, dễ bị bỏ qua. “Với nhóm trẻ dưới 6 tháng tuổi, thậm chí chỉ húng hắng ho, không sốt (hoặc chỉ hâm hấp) nhưng đã bị biến chứng viêm phổi rất nặng. Đáng lưu ý là trong số trẻ viêm phổi, có tới 70%-80% bị sốt siêu vi nhưng do cha mẹ chủ quan, tự điều trị hoặc không tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ đã dẫn tới biến chứng” – bác sĩ Tuấn Anh cảnh báo.

Các bác sĩ cho rằng cha mẹ có thể dễ dàng quan sát nhịp thở của con bằng cách vén áo để quan sát sự di động của lồng ngực hoặc bụng lúc trẻ nằm yên hay ngủ. Nếu thấy trẻ thở co lõm lồng ngực và thở rất nhanh, thậm chí chỉ cần ho nhiều, xuất hiện khó thở, thở rít, ngủ li bì…, cha mẹ cần đưa đi khám tại các cơ sở y tế.
Theo VNE

Hiểm họa khôn lường khi điều trị tiêu chảy ở trẻ em sai cách

Tiêu chảy là một trong những bệnh thường gặp nhất ở trẻ em. Ở trẻ dưới 3 tuổi thì trung bình mỗi năm sẽ mắc 1-3 đợt bệnh tiêu chảy. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hàng năm có khoảng 1,5 tỷ lượt trẻ em bị tiêu chảy, trong đó có từ 1,5-2,5 triệu trường hợp tử vong. Phần lớn trẻ tử vong do tiêu chảy gặp dưới 2 tuổi và sống tại những nước đang phát triển.

Nguyên nhân gây tiêu chảy ở trẻ

Trẻ bị tiêu chảy có thể do nhiều lý do, nhưng thường gặp nhất là do đường ruột trẻ bị nhiễm trùng do vi-rút, vi trùng, hoặc ký sinh trùng. Ngoài ra, trẻ bị tiêu chảy có thể do dị ứng với thức ăn, bất dung nạp thức ăn, chế độ ăn không phù hợp với lứa tuổi. Đặc biệt là việc sử dụng kháng sinh kéo dài gây mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột do kháng sinh thường tiêu diệt hết những vi khuẩn có lợi trong ruột.

Tiêu chảy ở trẻ em, nhiều biến chứng nguy hiểm

Tiêu chảy là một trong những loại bệnh chiếm tỷ lệ tử vong cao nhất ở trẻ em Việt Nam. Trẻ bị tiêu chảy thường có các triệu chứng đau bụng, đi đại tiện nhiều lần, sốt cao, vã mồ hôi và khát nước.

Bệnh tiêu chảy cấp rất nguy hiểm với trẻ nhỏ vì gây ra tình trạng mất nước của cơ thể.  Nếu không điều trị kịp thời hoặc điều trị không hợp lý có thể dẫn đến tử vong do mất quá nhiều nước và nhiễm trùng đường ruột.

Nếu tiêu chảy kéo dài sẽ dễ bị rối loạn các chất khoáng trong cơ thể, suy dinh dưỡng, một trong những biến chứng rất nguy hiểm của tiêu chảy, góp phần làm tử vong dễ xảy ra.

Một số trường hợp tiêu chảy do vi trùng có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, điều trị rất khó khăn và có thể gây tử vong.


Biến chứng nguy hiểm trẻ em bị tiêu chảy
Tiêu chảy ở trẻ em dễ gây nhiều biến chứng nguy hiểm

Lời khuyên của thầy thuốc

Không nên kiêng khem quá mức khiến bệnh trẻ nặng hơn vì cơ thể không được dung nạp đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng chống lại bệnh. Nên cho trê ăn các thức ăn dễ tiêu như cháo thịt nạc, thịt gà nấu với carot, khoai tây.

Bổ sung dung dịch Oresol, pha đúng nồng độ: Không được pha oresol với ít nước vì có thể gây tổn thương não, khiến trẻ bị sốt cao, co giật, thậm chí hôn mê dẫn đến tử vong. Nếu pha quá nhiều nước khiến dung dịch quá loãng, việc bù nước lại không hiệu quả. Theo khuyến cáo, một gói oresol pha với 200ml nước sôi để nguội và cho trẻ uống từ từ, tuyệt đối không cho trẻ uống một lần hết 200ml dung dịch oresol.

Không được tự ý dùng thuốc kháng sinh sẽ tiêu diệt thêm vi khuẩn có ích ở đường ruột trẻ, làm cho tiêu chảy kéo dài, khả năng hấp thụ của trẻ càng kém mà lại không chấm dứt bệnh do phần lớn tiêu chảy ở trẻ là do virus

Không nên dùng thuốc cầm tiêu chảy do thuốc này không có tác dụng diệt virus, mà làm giảm nhu động ruột, gây liệt ruột. Khi đó, trẻ dù vẫn đang mắc bệnh tiêu chảy nhưng do liệt ruột, phân không được bài xuất ra ngoài ứ đọng lại trong ruột có nguy cơ khiến trẻ bị thủng ruột, tắc ruột.

Không tự ý mua thuốc chống nôn. Đây là việc làm rất nguy hiểm bởi thuốc chống nôn có thể gây ức chế thần kinh, trẻ không nôn, ngủ nhiều, cha mẹ tưởng bệnh trẻ khá hơn nhưng thực tế bệnh trẻ có thể trở nặng mà không biết, nếu không được cấp cứu kịp thời rất dễ có nguy cơ tử vong.

Bổ sung kẽm: các nhân viên y tế khuyên rằng trẻ bị tiêu chảy nên uống bổ sung kẽm với liều 10mg/ngày liên tục trong 2 tuần. Khi trẻ bị tiêu chảy, vi nhung mao ruột bị tổn thương, một lượng lớn kẽm sẽ bị mất qua chất thải. Bổ sung kẽm giúp tái tạo và phục hồi vi nhung mao ruột, giúp trẻ chóng hồi phục, hấp thu dinh dưỡng tốt hơn, rút ngắn thời gian và giảm độ nặng của tiêu chảy, đồng thời giúp giảm nguy cơ mắc lại tiêu chảy

Bệnh tiêu chảy ở trẻ em


Bổ sung men vi sinh: Theo các chuyên gia y tế, trẻ bị tiêu chảy nếu được bổ sung men vi sinh phù hợp sẽ nhanh chóng khỏi bệnh, giảm thiểu các biến chứng nặng của tiêu chảy như mất nước, suy dinh dưỡng, kém ăn, chuyển tiêu chảy cấp sang tiêu chảy kéo dài. Vì các vi khuẩn có lợi sẽ thiết lập lại sự cân bằng của hệ vi sinh đường tiêu hóa, đấu tranh để kìm hãm sự phát triển của các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn, ký sinh trùng. Tuy nhiên, nên lựa chọn sử dụng men vi sinh bền vững, không bị phá hủy bởi acid dạ dày, có thời gian sống lâu trong đường ruột thì mới phát huy hiệu quả tối đa

Hiện nay trên thị trường có nhiều loại men vi sinh, tuy nhiên chỉ có Biomycare là men vi sinh dạng ống đầu tiên trên thị trường có chứa kẽm và bào tử vi khuẩn, nhập khẩu từ Nhật Bản. Bào tử vi khuẩn có ích trong Biomycare không bị phá hủy bởi axit dạ dày như các loại cốm vi sinh thông thường, tới ruột nảy mầm tạo thành lớp vi khuẩn có ích bảo vệ đường ruột của trẻ. Nhờ đó đường ruột của bé nhanh chóng được bảo vệ khỏi các tác nhân gây hại như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, độc chất từ thức ăn, chấm dứt nhanh tình trạng loạn khuẩn ruột, rối loạn tiêu hóa.

Sưu tầm theo 24h

Monday, October 13, 2014

Hiện tượng tiêu chảy là gì? nguyên nhân?

Tiêu chảy(ỉa chảy) là hiện tượng tăng số lần đi đại tiện, trên 3 lần trong ngày. Phân loãng như nước, có khi lẫn những chất khác. Có nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng này làm cơ thể chúng ta bị mất một lượng nước và chất điện giải dẫn đến tình trạng mất nước, lượng kali, natri và canxi thấp. Nếu không được bổ sung kịp thời có thể dẫn đến choáng, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng con người.




Hiện tượng tiêu chảy là gì?

1. Thế nào là hiện tượng tiêu chảy

Theo tiêu chuẩn lâm sàng thì tiêu chảy được định nghĩa là sự gia tăng số lần đi tiêu trong 1 ngày (>3 lần), trọng lượng phân cao bài tiết trên 200 g/ngày.
Cụ thể:
Người lớn: đi tiêu với phân bài tiết trên 200 g/ngày
Trẻ em: đi tiêu với phân bài tiết trên 20 g/ngày.
Tiêu ra chất lỏng trong phân.
Bình thường phân người chưa khoảng 60-90% là nước, nhưng đối với những người bị tiêu chảy thì hàm lượng chứa trên 90% nước. Nguyên nhân là do chuyển hoá quá nhanh qua hệ thống tiêu hoá; nếu một thành phần của phân ngăn chận ruột già hấp thu nước, hay nếu nước bị thải bởi ruột già vào phân. Theo qui luật thông thường, ruột có thể hấp thu một lượng nước lớn hơn lượng nước cần thiết mỗi ngày. Tuy nhiên, khi khả năng dự trữ bị áp đảo (tràn ngập) thì tiêu chảy sẽ xảy ra.
Hiện tượng tiêu chảy xảy ra dài ngày ở trẻ nhỏ sẽ ảnh hưởng đến sự hấp thu đối với chất dinh dưỡng và các mô nào đó trong cơ thể khiến trẻ gầy gò, da nhăn nheo và giảm sức đề kháng của trẻ.

2. Phân loại tiêu chảy
Tiêu chảy được phân loại theo thời gian mắc bệnh ( cấp hoặc mãn tính), theo cơ chế bệnh (thấm lọc – osmotic hay bài tiết – secretory), độ nghiêm trọng (nhỏ hay lớn), hay đặc điểm của phân (nước, chất béo, hay có máu). Trong thực hành lâm sàng, thời gian mắc bệnh và đặc điểm bệnh là hai yếu tố có ích nhất trong việc chẩn đoán và điều trị.
Tiêu chảy cấp tính được định nghĩa là tình trạng tiêu chảy kéo dài dưới 4 tuần (có nơi định nghĩa dưới 2 tuần). Nếu tình trạng tiêu chảy kéo dài hơn 4 tuần, ca bệnh được xem là tiêu chảy mãn tính.
Tiêu chảy thẩm thấu: Là hiện tượng tiêu chảy do một loại dung dịch mà ruột không thể hấp thu hoặc tiếp thu rất khó, gây áp lực thẩm thấu đến màng nhầy trong ruột, dẫn đến tình trạng thải nước thái quá. Hiện tượng sẽ khỏi khi ngưng ăn một thời gian ngắn.
Tiêu chảy xuất tiết: Là sự rối loạn về chuyển tải ion trong các tế bào biểu mô của ruột làm tăng sự bài tiết và giảm hấp thu hoặc là cả hai. Đối với hiện tượng tiêu chảy này thì việc ngưng ăn không có tác dụng. Ví dụ về tiêu chảy cấp tính bài tiết là bệnh tả và các ca bệnh nhiễm vi khuẩn enterotoxigenic E coli (ETEC).

3. Nguyên nhân gây bệnh

Dưới đây là một số nguyên nhân chính gây ra hiện tượng tiêu chảy:
Tác nhân vi rút
Đây cũng là nguyên nhân phổ biến gây ra hiện tượng tiêu chảy cấp tính. Trường hợp được biết đến như là viêm dạ dày ruột do virus (viral gastroenteritis) hay gọi là “cúm dạ dày” (stomach flu)
Những vi rút gây tiêu chảy chủ yếu là:
Rotavirus (thường là nguyên nhân tiêu chảy ở trẻ em)
Adenovirus
Caliciviruses
Astrovirus


Tác nhân vi trùng
Một số vi trùng (hay còn gọi là “vi khuẩn”) có thể là nguyên nhân của tiêu chảy:
Staphylococcus aureus (S. aureus)
Clostridium perfringens
Bacillus cereus
Salmonella
Shigella
Escherichia coli (E. coli)
Campylobacter jejuni
Yersinia enterocolitica
Vibrio parahaemolyticus
Vibrio cholerae

Ký sinh trùng
Ký sinh trùng có thể vào cơ thể chúng ta qua đường thực phẩm hay nước và sinh sống ở hệ thống tiêu hóa. Các ký sinh trùng có thể gây tiêu chảy bao gồm:
Giardia lamblia là ký sinh trùng này thường làm ô nhiễm nguồn nước, Giardia còn là nguyên nhân phổ biến của bệnh tiêu chảy ở người đồng tính luyến ái
Entamoeba histolytica là ký sinh trùng này lan truyền qua đường nước hay thực phẩm bị nhiễm phân người, nhưng cũng có thể do trực tiếp tiếp xúc qua tay dơ bẩn kể cả quan hệ tình dục.
Cryptosporidium – có thể lan truyền qua thực phẩm.

Thuốc men
Có khá nhiều thuốc có thể gây ra tiêu chảy. Một số thuốc thông thường là:
Thuốc trụ sinh
Thuốc chống cao huyết áp
Nhuận tràng
Antacids chứa magnesium

Chất hoá học
Một số chất hóa học khác cũng có thể gây bệnh tiêu chảy:
Rượu
Cà phê
Trà
Kẹo chewing gum không đường và bạc hà cũng có thể gây tiêu chảy

Bệnh
Buồn phiền, lo lắng, nhiễm trùng máu (sepsis), các bệnh truyền nhiễm liên quan đến sex, viêm tai, v.v… cũng có thể gây ra tiêu chảy.

4. Cần gặp bác sĩ khi nào?

Tiêu chảy thường không nghiêm trọng và bệnh nhân tự hồi phục, nhưng một số trường hợp nghiêm trọng cần phải đi khám ngay. Những trường hợp dưới đây cần sự tư vấn của bác sĩ:
Đi tiêu chảy hơn 3 ngày
Cảm thấy đau bụng hay đau ruột dữ dội
Nhiệt độ trong người trên 38 độ C
Đi tiêu chảy có máu trong phân hay phân màu hắc ín
Dấu hiệu mất nước

Nguồn: Tapchiykhoa

Dinh dưỡng cần thiết cho người bị tiêu chảy

Bệnh ỉa chảy (tiêu chảy) có thể xuất hiện ở cả 4 mùa trong năm, gây ra hiện tượng đi ngoài ra nước nhiều lần trong ngày. Ngộ độc thực phẩm, nhiễm các vi khuẩn, vi rút là một số nguyên nhân gây bệnh. Chế độ dinh dưỡng phù hợp là điều rất cần thiết cho người bệnh lúc này.


Cung cấp đủ nước khi bị tiêu chảy (Ảnh minh họa)

Khi bị tiêu chảy, cơ thể mất nhiều nước làm cho cơ thể mệt mỏi, sụt cân. Nếu ở mức độ nặng có thể gây tử vong. Cần bù nước và chất điện giải, tốt nhất là dùng oresol, pha theo hướng dẫn trên bao bì. Uống dung dịch thường xuyên và càng nhiều càng tốt. Đây là việc quan trọng nhất khi mắc phải tình trạng này.

Có một số quan niệm cho rằng: Uống càng nhiều nước càng làm bệnh trở nên nặng hơn. Quan điểm đó hoàn toàn sai lầm. Vì khi bị tiêu chảy, cơ thể mất nước trầm trọng và cần được bù lại lượng nước đã mất. Nếu không đủ lượng nước cần thiết cơ thể bị khô đi và dẫn đến các triệu chứng khác. Nước còn có tác dụng thanh lọc các chất độc trong cơ thể, giúp bệnh mau khỏi hơn.

Tiêu chảy làm mất đi một số đường và chất khoáng trong cơ thể. Cùng với việc cung cấp đầy đủ nước cho cơ thể cần tăng thêm các chất đường khoáng. Pha một thìa cà phê đường cùng với một ít muối trong một lít nước. Ngoài ra có thể pha thêm nước cam hay chanh để hương vị thơm ngon hơn. Trường hợp nặng có thể truyền nước muối để bù đắp lại cho cơ thể. Chú ý, những loại nước ngọt có ga không nên uống nhiều.

Tiêu chảy nhiều làm người bệnh ăn ít và mất cảm giác ngon miệng. Trong thời gian tiêu chảy, việc hấp thu thức ăn giảm hơn bình thường nhưng vẫn hấp thụ qua ruột. Khi tiêu chảy, không nên ăn nhiều thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, các loại thức ăn chiên xào, xúc xích, cà phê và các loại nước uống có ga.

Tránh sử dụng các thực phẩm làm cho triệu chứng trở nên nặng hơn. Thực phẩm sinh hơi như bắp cải, bông cải xanh, các loại đậu, đậu Hà Lan, hành… gây kích ứng cao và làm triệu chứng trầm trọng hơn, nên loại bỏ những thực phẩm này ra khỏi thực đơn của bạn.



Trường hợp cơ thể đuối sức vì không có chất bổ, nên ăn các loại canh, súp có màu trong ví dụ như súp gà, nước phở, tránh những loại súp có màu đục như súp đậu hoặc khoai tây

Ngoài ra những thức ăn giàu protein và vitamin là những món ít bã và dễ tiêu hóa, không gây kích thích người bệnh có thể dung nạp. Người bệnh nên ăn cháo gạo, mì nước, thịt nạc, thịt gà, đậu phụ, lá rau non. Chế biến thành các món hầm, luộc, om, nhúng, hấp. Thực phẩm cần được băm, thái nhỏ, nấu nhừ để bổ sung đủ năng lượng, protein, vitamin, lại giảm được kích thích cơ học và hóa học đối với đường ruột, giúp sức khỏe nhanh hồi phục. Nên ăn thành nhiều bữa trong ngày.

Theo: daitrang.vn

Cách điều trị tiêu chảy ở người lớn hiệu quả

Bệnh tiêu chảy gây ra tình trạng đi ngoài nhiều lần, phân lỏng và nhiều nước làm cơ thể mệt mỏi, khó chịu. Khi đó cần có biện pháp điều trị kịp thời nếu không bệnh tiến triển lâu dài mất nước trầm trọng có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Nguyên nhân gây tiêu chảy

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, dưới đây xin điểm danh một số “thủ phạm” chính gây hại:

  • Tình trạng stress và căng thẳng
  • Nhiễm khuẩn các loại vi rút, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng
  • Ăn phải thức ăn ôi thiu
  • Sử dụng nguồn nước bị nhiễm bẩn
  • Uống quá nhiều bia rượu
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc
  • Tiêu chảy làm cơ thể mất nước, đi ngoài nhiều lần trong ngày, phân lỏng và có nhiều nước kèm theo tình trạng đau bụng, sốt, phân chứa máu hoặc gây chướng bụng. Khi gặp phải tình trạng này nên có cách điều trị kịp thời để bệnh không trở nên trầm trọng.

Phòng chữa tiêu chảy ở người lớn

Mách nhỏ bạn đọc một số cách trị tiêu chảy ở người lớn hiệu quả mà không đến thuốc.

Cách 1:

Pha lẫn nước ép trái lựu với 1 cốc nước mía, uống thành 4 lần trong ngày.

Dùng 1/2 cốc nước ép bạc hà để uống sau, cứ 2 giờ uống một lần.

Loại bỏstress, căng thẳng vì chúng là thủ phạm gây ra tiêu chảy, thay thế bằng những trò tiêu khiển giúp tinh thần thoải mái.

Cách 2:

Ninh nhừ một củ carot, sau đó nghiến nát, và ăn mỗi thìa cà rốt ninh nhừ này trong vòng 15 phút. Ngoài ra nên ăn súp khoai tây vì theo các chuyên gia khoai tây có thể “đối phó” với chứng tiêu chảy.

Nhìn chung khi bị tiêu chảy bạn nên uống nhiều và ăn vừa đủ. Nếu trong trường hợp đuối sức vì thiếu chất dinh dưỡng nên ăn các loại canh hoặc súp như súp gà, nước phở…

Phòng bệnh tiêu chảy:


  • Ăn chín, uống sôi, không ăn rau sống, gỏi cá hải sản, mắm tôm…
  • Rửa tay với xà phòng diệt khuẩn.
  • Đảm bảo vệ sinh khi chế biến thức ăn.
  • Giữ nguồn nước sạch,đảm bảo sử dụng nước sạch khi chế biến món ăn.
  • Bệnh tiêu chảy dễ lây nên cách ly người bệnh với khu nấu ăn.
  • Nếu triệu chứng của bệnh trở nên trầm trọng hơn cần đưa đến các cơ sở y tế kịp thời.
  • Một số cách khác chữa tiêu chảy.


1. Nụ sim, búp ổi


Búp ổi chữa tiêu chảy (Ảnh minh họa)

Nụ sim thu hái khi còn chưa nở, khoảng nửa chén sắc uống, uống 2 lần trong ngày.

Búp ổi: Lấy một nắm búp ổi nhai với vài hạt muối nuốt cả bã.Hoặc dùng búp ổi hoặc lá ổi non 12 – 20g (sao sơ), gừng nướng 10g hoặc củ riềng khô 10 – 12g, vỏ quýt khô 10 – 12g. Cho các vị vào ấm, sắc với 500ml nước, còn lấy 200ml, chia làm hai lần uống trong ngày trước bữa ăn. Bài thuốc này dùng chữa các trường hợp tiêu chảy thông thường đặc biệt là tiêu chảy do lạnh.

2. Lá mơ lông


Lá mơ lông được dùng là vị thuốc hữu hiệu chữa tiêu chảy và kiết lỵ. Bài thuốc phổ biến là hái một nắm lá mơ lông rửa sạch, thái nhỏ trộn với một quả trứng gà ta nướng trên chảo có lót lá chuối hoặc hấp cách thủy (không được chiên với dầu mỡ vì kiết lỵ kỵ với chất béo). Có thể ăn một ngày 2-3 lần liên tục trong 3 đến 4 ngày sẽ khỏi.

3. Nước cây cỏ sữa


Nguyên liệu:

Cây cỏ sữa 2 nắm
Nấm tai mèo: 5 tai
Đậu đen xanh lòng 50gram
Cách làm: Cỏ sữa rửa sạch; nấm mèo ngâm cho nở ra rửa sạch rồi thái dài và mỏng. Bắc song song 2 chảo ở 2 bếp: 1 bếp sao đậu đen, 1 bếp sao nấm mèo, xong rồi sao cỏ sữa.

Cho cả 3 thứ sau khi sao vào 1 cái nồi, lấy 3 bát nước sắc nhỏ lửa còn 0,5 bát cho bé uống trong 1 ngày, không được để qua ngày hôm sau.

Lưu ý: Nấm mèo sao trên bếp thường bị khô và cứng, nên dùng tray bẻ thì giòn như sợi miến khô là được. Đậu sao khi cắn phải thơm giòn, chín hạt rồi nếu còn sốn g cũng không được.

4. Lá cây quả nhót

Lá nhót sao vàng, sắc nước uống chữa tiêu chảy. Bột lá nhót khô hòa nước cơm có thể chữa hen suyễn. Nhót có tên khác là cây lót, bất xá, hồ đồ tử.

Dùng lá tươi (20-30g) hoặc lá khô (6-12g), thái nhỏ, sao vàng, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày. Có thể dùng dưới dạng thuốc bột. Dùng riêng hoặc phối hợp với vỏ cây chân danh (đỗ trọng nam) với liều lượng bằng nhau.

5. Hồng xiêm xanh

Hồng xiêm xanh có vị chát, tính bình là phương thuốc hiệu quả chữa tiêu chảy, kiết lị.

Cách làm:

Hồng xiêm xanh cắt thành nhiều lát mỏng, phơi khô, sao vàng để dùng dần. Mỗi lần dùng lấy khoảng 10 lát sắc uống với nước, nước phải ngập hồng xiêm. Sau đó đổ lấy nước uống ngày 2 lần.

6. Rau sam



Rau sam có vị chua, tính hàn có tác dụng trị kiết lỵ, trừ giun sán, chữa mụn nhọt và các bệnh ngoài da. Dân gian cũng thường dùng rau sam để chữa tiêu chảy:

Phòng bệnh: Ngày dùng 100-200g rau sam làm rau ăn hoặc nấu cháo hàng ngày

Chữa bệnh: Khi đã có triệu chứng đau bụng tiêu chảy nhiều lần nên dùng rau sam tươi 100g, cỏ sữa tươi 50g sắc uống thay nước trong ngày. Nếu đi ngoài ra máu có thể bổ sung thêm 20g nhọ nồi, 20g rau má vào sắc uống cùng.

7. Gạo rang


Nguyên liệu:
Gạo: 10g sao vàng
Lá ngải cứu khô: 15g
Đường đỏ: 10g
Cho tất cả vào ấm đun rồi đổ ngập nước chờ sôi mấy phút rồi nhấc xuống để hơi nguội uống hết một lần. Mỗi ngày chỉ cần uống một lần, sau hai ngày sẽ thấy hiệu quả.

Sưu tầm

Khi nào nên sử dụng men tiêu hóa cho trẻ

Men tiêu hóa là men hay còn gọi là enzym do chính các tuyến trong cơ thể tiết ra để tiêu hóa và hấp thu thức ăn. Đối với trẻ nhỏ men tiêu hóa chỉ dùng khi có sự chỉ định của bác sĩ nếu nghi ngờ hoặc có bằng chứng là bị thiếu men tiêu hóa.

Men tiêu hóa là gì?
Men tiêu hóa là men hay còn gọi là enzym do chính các tuyến trong cơ thể tiết ra để tiêu hóa và hấp thu thức ăn. Men tiêu hóa được sử dụng để tăng cường thêm khả năng tiêu hóa thức ăn trong một khoảng thời gian nhất định nào đó. Tuy nhiên, với cả người lớn và trẻ trẻ nhỏ bạn chỉ phép sử dụng khi có sự chỉ định của bác sĩ trong trường hợp có bằng chứng là trẻ bị thiếu men tiêu hóa.
Đối với men tiêu hóa bạn cũng không lạm dụng và cho trẻ dùng kéo dài sẽ gây tác dụng ngược do lượng men tiêu hóa được cung cấp nhiều từ bên ngoài trong thời gian dài sẽ ức chế các tuyến tiết ra men tiêu hóa nội sinh trong cơ thể.



Sử dụng men tiêu hóa cho trẻ khi nào?

Trẻ em nên dùng men tiêu hóa khi nào?
Trẻ em cần sử dụng men tiêu hóa khi các tuyến tiêu hóa bị tổn thương hay khi bị giảm bài tiết gây thiếu men tiêu hóa trong cơ thể như trong một số trường hợp: viêm teo ruột kéo dài, tiêu chảy kéo dài, suy dinh dưỡng nặng, u xơ nang tuyến tụy, cắt ngắn ruột sau phẫu thuật, sau mổ cắt dạ dày.

Đối với trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, hệ tiêu hóa và miễn dịch còn non nớt. Trong khi đó, trẻ lại thường hay bị ốm nên rất cần có sự hỗ trợ của men tiêu hóa và men vi sinh, nhất là khi hệ tiêu hóa bị rối loạn hoặc sau ốm, sau khi sử dụng kháng sinh. Tuy nhiên, việc sử dụng cũng phải đúng cách mới mang lại hiệu quả như mong muốn. Vì thế, chỉ sử dụng men tiêu hóa cho trẻ khi bác sĩ xác định trẻ thiếu men tiêu hóa hoặc muốn tăng cường thêm khả năng tiêu hóa thức ăn ở trẻ kém hấp thu, biếng ăn.



Trong thực tế, nhiều bà mẹ thường sử dụng men tiêu hóa khi trẻ biếng ăn là sai lầm bởi vì việc sử dụng không hợp lý và lâu dài men tiêu hóa sẽ làm các tuyến tiêu hoá bị ức chế, giảm bài tiết, giảm hoạt động sẽ dẫn đến teo làm cho đứa trẻ suốt đời phải phụ thuộc vào men tiêu hoá. Vì vậy trước khi sử dụng, các bà mẹ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ về loại men tiêu hóa, liều lượng, cách dùng và theo dõi sau khi dùng. Thời gian sử dụng men tiêu hóa mỗi đợt không nên quá 10 ngày.

Sau đó, khi trẻ ăn tốt hơn, hệ thống tiêu hoá của cơ thể lại tự tiết ra các men tiêu hoá thì nên dừng uống. Tuy men tiêu hoá không gây ảnh hưởng đến tính mạng nhưng không nên lạm dụng, bởi dùng kéo dài sẽ khiến trẻ bị phụ thuộc, khi không có men sẽ không ăn, các tuyến tiêu hoá bị ức chế, giảm chức năng bài tiết và sẽ bị teo nhỏ.

Sơ lược về bệnh tiêu chảy?

Bệnh tiêu chảy được định nghĩa bởi Tổ chức Y tế Thế giới khi bệnh nhân có số lần đi phân lỏng nhiều hơn ba lần mỗi ngày hoặc bệnh nhân ấy đi tiêu nhiều phân hơn lúc khỏe mạnh. 

Tiêu chảy cấp tính được Tổ chức Vị tràng học Thế giới (World Gastroenterology Organisation) định nghĩa là đi tiêu phân lợn cợn hoặc phân lỏng liên tục một cách bất thường kéo dài gần 14 ngày.

Tiêu chảy do bị kích thích bài tiết: là tiêu chảy do tăng sự kích thích hoặc do không dung nạp. Nguyên nhân chủ yếu của loại tiêu chảy này là do độc tố của khuẩn tả làm kích thích bài tiết ion âm, đặc biệt là ion clorua. Tiêu chảy vẫn tiếp tục kể cả khi không ăn.


Tiêu chảy thẩm thấu: loại tiêu chảy này xuất hiện khi có quá nhiều nước được kéo vào ruột. Nếu một người uống thứ nước có quá nhiều đường hay quá nhiều muối, những thứ này có thể kéo nước từ cơ thể vào trong ruột và gây nên tiêu chảy thẩm thấu. Tiêu chảy thẩm thấu cũng có thể do tiêu hóa kém (vd, do mắc bệnh về tụy hoặc bệnh Coeliac), khi đó các chất dinh dưỡng bị bỏ lại trong ruột kéo theo nước. Hoặc tiêu chảy có thể do các thuốc nhuận tràng thẩm thấu gây ra (thứ thuốc này hoat động làm dịu chứng táo bón bằng cách kéo nước vào ruột). Đối với những người khỏe mạnh, dùng quá nhiều magie hoặc vitamin C hay đường lactose khó tiêu hóa cũng có thể gây ra tiêu chảy thẩm thấu và chứng sưng ruột. Đối với những người hấp thu kém fructose, việc tiêu thụ quá nhiều fructose cũng có thể dẫn đến tiêu chảy. Những thực phẩm chứa nhiều fructose cũng đồng thời chứa lượng lớn đường glucose sẽ dễ hấp thu hơn và ít gây tiêu chảy hơn. Các thứ rượu có đường như sorbitol (thường có trong các thực phẩm không chứa đường) thường khó làm cơ thể hấp thu, và nếu dùng lượng lớn có thể khiến bị tiêu chảy thẩm thấu. Phần lớn những trường hợp này, tiêu chảy thẩm thấu sẽ ngưng nếu các tác nhân gây tiêu chảy không được nạp vào cơ thể nữa.

Tiêu chảy rỉ mủ: Khi bệnh nhân mắc tiêu chảy loại này, trong phân sẽ có máu và mủ. Tiêu chảy này thường do các bệnh viêm đường ruột, như bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng, và những bệnh nhiễm trùng đường ruột nghiêm trọng như E.coli, hay những dạng ngộ độc thực phẩm gây ra.

Kiết lỵ: Khi tiêu chảy có kèm máu thấy rõ trong phân, tiêu chảy này gọi là kiết lỵ. Máu là dấu hiệu cho thấy mô ruột bị xâm lấn. Bị lỵ là một trong các triệu chứng của bệnh Shigella, Entamoeba histolytica, và Salmonella.

Nguyên nhân 



Mô hình hệ tiêu hóa người.
Bệnh thường có liên quan đến những nguyên nhân nhiễm khuẩn.  Đây là nguyên nhân thường gặp nhất. Nguyên nhân này là do mất cân bằng giữa vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại trong đường ruột   (do vệ sinh ăn uống kém). Các vi khuẩn có hại khi xâm nhập vào đường ruột và nếu chúng mạnh hơn vi khuẩn có lợi chúng sẽ lấn áp các vi khuẩn có lợi và tiết ra độc tố gây nên tiêu chảy. Nhưng nguyên nhân bệnh cũng có thể do tích lũy trong khoang bụng những dịch có áp suất thẩm thấu cao không hấp thụ được, như trong trường hợp thiếu hụt lactose hoặc do những kích thích ở dạ dày ruột, một nguyên nhân nữa là cũng có thể do ruột có cấu tạo hoặc khả năng nhu động không bình thường.

Tiêu chảy thường mắc nhiều nhất là do nhiễm virut Rotavirus, chiếm đến 40% trường hợp tiêu chảy ở trẻ dưới nămtuổi. Tuy nhiên, tiêu chảy ở những khách du lịch phần lớn là do nhiễm khuẩn. Các loại độc chất như ngộ độc do nấm và thuốc cũng có thể gây tiêu chảy cấp.

Tiêu chảy mãn tính có thể là do mắc các bệnh mãn tính ảnh hưởng đến đường ruột. Các nguyên nhân phổ biến gồm có: viêm loét đại tràng, bệnh Crohn, viêm ruột, hội chứng ruột kích thích, không dung nạp axít mật,…

Chứng tiêu chảy nhẹ mãn tính ở trẻ dưới ba tuổi có thể xảy ra mà không có nguyên nhân rõ ràng và không do bệnh nào khác gây ra; tiêu chảy này gọi là tiêu chảy trẻ con.

Biện pháp ngăn ngừa tiêu chảy
Vaxin Rotavirus góp phần giảm tỷ lệ mắc tiêu chảy trong dân chúng. Nhiều vaxin mới chống rotavirus, Shigella, ETEC, và khuẩn tả, cũng như là các nguyên nhân gây tiêu chảy do nhiễm khuẩn khác, đang được nghiên cứu phát triển.
Lợi khuẩn cũng giúp giảm nguy cơ gây tiêu chảy do dùng kháng sinh. Việc khuyến khích rửa tay sạch sẽ giúp giảm đáng kể khả năng mắc tiêu chảy.

Cách điều trị bệnh tiêu chảy
Ở nhiều trường hợp mắc tiêu chảy, bù dịch là biện pháp chữa trị duy nhất cần đến. Thường là biện pháp bù dịch bằng đường uống, trong trường hợp nghiêm trọng thì bằng đường truyền qua tĩnh mạch. Các nghiên cứu cho thấy giới hạn uống sữa ở trẻ nhỏ không cần thiết, vì việc uống sữa không làm kéo dài thời gian bị tiêu chảy. Trái lại, Tổ chức Y tế thế giới còn khuyến nghị trẻ mắc tiêu chảy nên tiếp tục ăn, vì các chất dinh dưỡng đầy đủ thường vẫn được hấp thu để giúp tăng chiều cao và cân nặng và việc tiếp tục ăn cũng giúp hoạt động ruột hồi phục nhanh. Tổ chức CDC khuyến nghị trẻ lớn và người lớn mắc tiêu chảy cũng nên tiếp tục ăn uống bình thường.

Bù dịch
Bù dịch đường uống có thể được sử dụng để ngăn chặn bị mất nước. Các dung dịch làm ở nhà như nước cơm pha muối, nước ya-ua pha muối, súp gà và rau củ với muối cũng có thể được cho bệnh nhân dùng. Với mỗi lít nước dung dịch gạo rang hoặc ngũ cốc nấu nước cho vào từ ½ đến một thìa cà phê muối. Một ấn phẩm của Tổ chức y tế thế giới dành cho y bác sỹ hướng dẫn làm dung dịch bù nước đường uống tại nhà gồm 1 lít nước pha với 1,5-3gr (từ ½ - 1 thìa cà phê) muối và 18gr (hai thìa súp) đường (vị gần giống vị nước mắt). Tuy nhiên không nên cho bệnh nhân tiêu chảy uống dung dịch chứa quá nhiều đường và muối, vì như thế sẽ khiến việc mất nước còn trầm trọng hơn.
Nếu có thì nên cho vào một lượng phù hợp kẽm và kali. Dù có hay không có sẵn hai chất này thì cũng không nên trì hoãn việc bù nước. Như WHO khuyến cáo, điều quan trọng nhất là bắt đầu ngăn chặn việc mất nước càng sớm càng tốt.

Trong khoảng một hay hai giờ đầu uống dung dịch bù muối, bệnh nhân thường hay nôn ói, đặc biệt là nếu một trẻ uống dung dịch này quá nhanh. Nếu trường hợp này xảy ra, chờ 5 – 10 phút sau hãy cho trẻ từ từ uống dung dịch lại.

Trẻ dưới năm tuổi không nên uống lượng lớn đường đơn, như nước ngọt và nước trái cây, vì những thứ này có thể làm tăng việc mất nước.

Ăn uống ảnh hưởng lớn đến vấn đề tiêu chảy
Tổ chức y tế thế giới khuyến nghị tiếp tục cho trẻ bị tiêu chảy ăn uống bình thường. Tiếp tục ăn uống sẽ đẩy nhanh tốc độ hồi phục hoạt động bình thường của đường ruột. Ngược lại, những trẻ bị cấm đoán ăn uống sẽ bị tiêu chảy kéo dài lâu hơn và việc hồi phục chức năng của đường ruột sẽ chậm hơn. Trẻ nhỏ vẫn nên tiếp tục được cho bú mẹ. Trường hợp bị tả cũng nên được tiếp tục cho ăn uống bình thường.

Điều trị tiêu chảy bằng thuốc
Ở một vài trường hợp tiêu chảy cấp tính, các thuốc kháng sinh hữu ích, tuy nhiên thường thì kháng sinh không được sử dụng. Một số quan ngại rằng kháng sinh có thể làm tăng nguy cơ bị hội chứng tan huyết urê ở những người bị nhiễm Escherichia coli O157:H7. Ở những nước nghèo, việc điều trị bằng kháng sinh có thể hiệu quả. Tuy nhiên, một số vi khuẩn có thể kháng thuốc, đặc biệt là khuẩn Shigella. Kháng sinh cũng có thể là nguyên nhân gây tiêu chảy, và tiêu chảy do kháng sinh là tác dụng phụ phổ biến nhất của việc điều trị bằng kháng sinh.

Hoạt chất bismuth (Pepto-Bismol) làm giảm số lần đi đại tiện ở những khách du lịch mắc tiêu chảy, nhưng lại không làm giảm thời gian mắc bệnh. Các chất chắn acid mật như cholestyramine có thể có tác dụng trong trường hợp bị tiêu chảy mãn tính do không hấp thu acid mật.

Các phương pháp điều trị khác
Bổ sung kẽm có lợi cho trẻ bị tiêu chảy ở những nước đang phát triển, nhưng chỉ dùng cho trẻ trên 6 tháng tuổi. Men vi sinh làm giảm việc kéo dài những triệu chứng trong vòng một ngày, và làm giảm nguy cơ kéo dài triệu chứng hơn 4 ngày đến 60%. Lợi khuẩn lactobacillus có thể giúp ngăn chặn tiêu chảy do dùng kháng sinh ở người lớn, nhưng lại không có hiệu quả ở trẻ. Với những ai mắc chứng không dung nạp lactose, việc sử dụng những enzyme tiêu hóa có chứa lactase khi ăn uống những thực phẩm làm từ sữa thường cải thiện được tình trạng của mình.

Tình trạng tiêu chảy cũng là một phản ứng có lợi cho cơ thể nhằm đưa hết những chất lạ có hại cho cơ thể như độc tố hoặc các men do vi khuẩn gây hại tiết ra đi ra khỏi cơ thể (theo cơ chế lấy nước trong cơ thể đưa vào ruột để việc thải chất độc ra khỏi cơ thể được dễ dàng hơn). Cho nên ưu tiên hàng đầu trong điều trị bệnh là làm cân bằng vi sinh vật đường ruột (vi khuẩn có lợi > hoặc = Vi khuẩn có hại) và bù nước và chất điện giải. Các nhóm thuốc ưu tiên sử dụng:

Nhóm bù nước và chất điện giải: Oresol là thuốc thường được sử dụng chủ yếu.  Nước và chất điện giải đóng góp một vai trò quan trọng trong cơ thể con người trong việc tạo ra sự cân bằng về sinh hoá vì vậy nếu thiếu hụt chúng, cơ thể sẽ có những rối loạn nhất định.

Men vi sinh: đây là các vi khuẩn sống được đông khô, khi vào trong ruột chúng sinh sôi rất nhanh tạo ra một đội quân hùng hậu trấn áp các vi khuẩn có hại để lập lại trạng thái cân bằng.
Chất hấp thụ: Attapulgit,  hay than hoạt tính. Nhóm này có công dụng hấp thụ các độc tố, khí hơi trong đường ruột.


Nhóm hỗ trợ: Khi bị tiêu chảy, bệnh nhân thường có biểu hiện đau bụng, đau quặn thắt ở vùng rốn, tuy nhiên, bệnh nhân không nên tuỳ tiện sử dụng thuốc hỗ trợ giảm đau mà chỉ nên dùng cao xoa bóp, dầu gió, cao đắp rốn từ thảo dược hoặc cao dán rốn dạng hấp thu mạnh có hỗ trợ điều trị tiêu chảy và chữa đau bụng.

Cần lưu ý: trong điều trị tiêu chảy không nên lạm dụng các thuốc làm giảm nhu động ruột như Loperamid, Opioid vì lý do độc tố, vi khuẩn có hại cần được đưa ra khỏi cơ thể thông qua việc đi tiêu mà loại thuốc này làm cản trở quá trình đi tiêu. Bên cạnh đó chúng cũng có một số tác dụng phụ mà cần phải thận trọng khi dùng nhất là đối với người lớn tuổi và trẻ em. 

Tiêu chảy cấp tính: Nhóm thuốc chống tiêu chảy chính là các chất hấp phụ như attapulgit, kaolin, pectin và nhóm các thuốc làm giảm nhu động ruột như diphenoxylat, loperamid và codein. Các thuốc nhuận tràng tạo khối phân lớn cũng được dùng như methylcellulose do tính chất hấp thu của chúng. Chất ức chế calmodulin là zaldarid có hiệu quả làm giảm triệu chứng tiêu chảy.  

Tiêu chảy mãn tính: Thường có liên quan đến một bệnh nào đó trên cơ thể, nên việc chữa triệu chứng tiêu chảy không thích hợp bằng chữa nguyên nhân gây bệnh, ví dụ như dùng cholestyramin chữa tiêu chảy liên quan đến sự hấp thu các acid mật kém. Trong trường hợp không loại trừ được bệnh đã gây ra tiêu chảy mạn tính thì có thể mới chữa triệu chứng, ví dụ như tiêu chảy của bệnh nhân đái tháo đường.  
Nguồn: http://vi.wikipedia.org/wiki/Ti%C3%AAu_ch%E1%BA%A3y
 

Blogger news

Blogroll

About